Thanh niên tình nguyện bị thương, bị tai nạn trên đường làm nhiệm vụ cần phải được ghi công như thương binh, liệt sĩ; có bảo hiểm trong thời gian tham gia tình nguyện… là ý kiến của đại biểu Hoàng Bá Nam, Hội LHTN tỉnh Quảng Ninh.
Chiều ngày 28/12, diễn đàn thảo luận về chủ đề
Thanh niên tình nguyện trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam (LHTN VN) lần thứ 7 đã diễn ra tại số 18 đường Láng Hạ, Hà Nội.
Diễn đàn thảo luận về chủ đề Thanh niên tình nguyện trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 7
Buổi thảo luận với chủ đề trọng tâm là công tác tình nguyện trong Năm thanh niên tình nguyện đã có nhiều đóng góp tham luận của các đại biểu. Đó là những bài học từ thực tiễn hoạt động thiện nguyện để những thủ lĩnh phong trào cùng nhau đúc rút kinh nghiệm, mở ra những hướng đi mới cho hoạt động tình nguyện trong thời gian tới.
PV Dân trí phản ánh những ý kiến tiêu biểu tại diễn đàn này:
Hoạt động tình nguyện cần kết nối, có mục tiêu rõ ràng
Anh Nguyễn Bá Hải người sáng tạo ra cặp kính hỗ trợ dành cho người khiếm thị
Anh Nguyễn Bá Hải, người sáng tạo ra cặp kính hỗ trợ dành cho người khiếm thị, đại biểu Hội LHTN TP.HCM mở đầu diễn đàn bằng câu chuyện xúc động. Anh cùng các bạn đã sáng tạo ra loại kính dành cho người khiếm thị từ nhiều năm trước. Tuy nhiên từ nghiên cứu tới úng dụng thực tiễn là một khoảng cách khá xa, anh không thể đưa sản phẩm tới tay người dùng bởi kinh phí sản xuất quá cao.
Khi biết được nghiên cứu ý nghĩa của anh với mục đích giúp đỡ người mù, các tiểu thương ở chợ Thủ Đức đã góp tiền cho anh Hải tiếp tục thực hiện ước mơ. “Mỗi người cho 200 – 300 ngàn đồng và sau đó nhờ tuyên truyền mới có doanh nghiệp tới góp vốn tôi mới có kinh phí để nghiên cứu mở rộng, làm sản phẩm thực tiễn.
Nhờ phối hợp với TƯ Đoàn, hiện nay sản phẩm của tôi đã đến tay 400 người khiếm thị. Qua đây, tôi học được bài học là có tâm nhưng nếu chỉ bản thân mình thì không thực hiện được. Vì vậy, muốn làm thiện nguyện, giúp đỡ những người khác cần phải kết nối những con người có tâm với nhau, lan tỏa”.
Anh Chử Nhất Hợp - Chủ tịch Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội
Anh Chử Nhất Hợp, Chủ tịch Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội cũng đã tổng hợp được kết quả, đúc rút kinh nghiệm từ quá trình hoạt động tình nguyện hiến máu tới chia sẻ cho các đại biểu đến từ 63 tỉnh thành. Anh cho biết, theo thống kê hiện nay phong trào vận động hiến máu đã thu về hơn 80% lượng máu huy động từ toàn dân, trong đó 60% người hiến máu là thanh niên.
Để có được thành công như ngày hôm nay, cá nhân anh Hợp và Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã rút ra những bài học là: “Chúng ta phải quan tâm tới lợi ích hai chiều, vừa là huy động nguồn máu, vừa tuyên truyền cho các tình nguyện viên (TNV) về những lợi ích của các bạn khi tham gia hoạt động tình nguyện (như có được những trải nghiệm ý nghĩa, kinh nghiệm sống, giúp đỡ cộng đồng…).
Đồng thời, chúng tôi cũng nhận ra là hoạt động tình nguyện phải có mục tiêu rõ ràng để thu được hiệu quả, bằng cách xác định rõ phạm vi hoạt động, đối tượng vận động chủ yếu…
Việc xác định mục tiêu giúp đánh giá hiệu quả hoạt động một cách chính xác, không chung chung, hời hợt. Bởi nếu ta tổ chức bề nổi, hời hợt sẽ không thể thu hút được mọi người tự giác tham gia. Tổ chức Hội cần đóng vai trò chính song cần phải kết nối, huy động các lực lượng xã hội chung tay”.
Là người trực tiếp tham gia và hoạt động vận động hiến máu, anh Hợp và Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội mong muốn muốn thành lập tư cách pháp nhân cho Hội hiến máu tình nguyện để hoạt động thuận lợi hơn.
Cần có bảo hiểm, chế độ chính sách cho thanh niên tình nguyện
Anh Nguyễn Thanh Hiếu cán bộ Hội LHTN quận Thanh Khê, Đà Nẵng
Anh Nguyễn Thanh Hiếu, cán bộ Hội LHTN quận Thanh Khê, Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong triển khai phong trào tình nguyện: “Hội LHTN quận Thanh Khê coi hoạt động tình nguyện là trọng tâm, có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả.
Qua hoạt động thực tiễn, chúng tôi đúc rút ra kinh nghiệm là với hoạt động tình nguyện muốn làm tốt cần 3 yếu tố: con người, mô hình hoạt động và truyền thông. Con người cần phải có đam mê, có định hướng kết hợp với mô hình hoạt động tình nguyện hiệu quả.
Nhiều bạn tình nguyện rất muốn giúp đỡ người khuyết tật nhưng đến chiếc xe lăn còn không biết đẩy thì giúp như thế nào, cho nên chúng tôi rất quan tâm tới các kĩ năng. Chúng tôi cũng thiết lập riêng hệ thống công nghệ thông tin, website, fan page của huyện và thường xuyên tập huấn, đào tạo cho các cán bộ, TNV”.
Anh Hoàng Bá Nam - Chủ tịch Hội LHTN Quảng Ninh đề xuất có bảo hiểm cho thanh niên tình nguyện trong 3 tháng hè
Đại biểu Hoàng Bá Nam, Chủ tịch Hội LHTN Quảng Ninh có nhiều trăn trở với phong trào tình nguyện từ cấp địa phương cho tới trung ương. Anh đánh giá cao những kết quả mà phong trào thanh niên tình nguyện đã đạt được, trong đó nhấn mạnh sự ảnh hưởng tới nhận thức xã hội về việc tham gia tình nguyện.
Tuy nhiên, anh Nam cho rằng: “Các em sinh viên đi tình nguyện trên vùng cao, bị ngã suối, bị ong đốt, người thì bị thương, người thì đã chết khi tuổi đời còn rất trẻ. Các em hi sinh khi đang làm nhiệm vụ tình nguyện nhưng không có chính sách gì cho các em. Hiện nay, chưa có cơ chế chính sách dành cho thanh niên tình nguyện.
Tôi đề nghị cần phải thiết lập cơ chế càng sớm càng tốt, ví dụ như có bảo hiểm cho thanh niên tình nguyện, nếu hoạt động 3 tháng hè thì được hưởng 3 tháng bảo hiểm, nếu các em gặp tai nạn khi đang làm nhiệm vụ thì được hưởng chế độ thương bình, liệt sĩ…”
Ngoài ra, anh Bá Nam cũng đóng góp ý kiến về việc xây dựng cơ chế cho tổ chức cho Hội LHTN, cơ chế cho hoạt động tình nguyện quốc tế trong bối cảnh hội nhập.
Anh Vũ Đăng Minh Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Bộ Nội vụ
Đáp lại những kiến nghị của anh Bá Nam, anh Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Bộ Nội vụ phản hồi: “Tôi muốn được lắng nghe nhiều hơn các ý kiến góp ý để hiểu được tình hình thực tiễn của hoạt động tình nguyện.
Chúng tôi đang xây dựng đề án về thanh niên tình nguyện, phân ra 2 loại hình: một là hoạt động tình nguyện theo các đề án, dự án tình nguyện của các đơn vị, cơ chế chính sách dành cho thanh niên tình nguyện sẽ theo đề án; thứ hai là các phong trào tình nguyện cơ sở. Đối với những phong trào không nằm trong đề án, chúng tôi đang đề xuất có những chứng chỉ hoạt động tình nguyện, cộng điểm khi thi công chức… để khuyến khích thanh niên hoạt động tình nguyện.
Tôi cũng sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu để tiếp tục xây dựng đề án, có những chính sách hợp lý cho thanh niên tình nguyện, ví dụ như chính sách bảo hiểm như đồng chí vừa nêu”.
Mai Châm
(Theo: Báo điện tử Dân Trí)