“Hải bận thế, cuộc sống của mình có ổn không?”, tôi buột miệng rồi chợt thấy mình hớ hênh khi nhìn thấy nụ cười luôn thường trực trên môi anh. “Mình hài lòng” - Hải trả lời, không chút do dự. Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải - Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - năm nay được 31 tuổi. Cách đây 13 năm, Hải là cậu sinh viên nghèo từ Đông Sơn (Thanh Hóa) chân ướt chân ráo vào trường, nhập học ngành Cơ khí động lực. Suốt những năm đại học, chàng sinh viên vốn lớn lên từ ruộng đồng ấy đã không ngừng cố gắng, đã tốt nghiệp thủ khoa ngành Cơ khí động lực, xuất sắc nhận được suất học bổng toàn phần theo học ngành Robot sinh học của chính phủ Hàn Quốc.
Khắc phục mọi khó khăn ban đầu ở một quốc gia phát triển, Hải tiếp tục là người dẫn đầu khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi Hải mới 28 tuổi, sớm hơn một năm so với thời gian đào tạo thông thường. Với danh hiệu là đề tài tiến sĩ đạt giải vàng của khóa đào tạo, chàng trai xứ Thanh nhận được nhiều lời đề nghị ở lại Hàn Quốc làm việc, trong đó có cả Viện Nghiên cứu ôtô quốc gia Hàn Quốc với thu nhập hứa hẹn hàng ngàn USD mỗi tháng, nhưng Hải đã từ chối. Hải chọn con đường trở về Việt Nam.
“Nếu ở lại Hàn Quốc thì mình sẽ được làm việc, nghiên cứu và có cảm giác mình sẽ tận hưởng nhiều hơn những thành tựu khoa học kỹ thuật mà đất nước họ có sẵn. Còn Việt Nam mình lại là một nơi đang cần nhiều bàn tay khối óc để xây dựng, cần những người như mình về công hiến. Và mình đã đi về nơi mình được cống hiến”, Hải nói về quyết định gần như thay đổi toàn bộ của sống của mình một cách nhẹ nhàng. Hỏi Hải có hối hận không? Hải bảo, thực ra, từ lúc đi học đến khi đi làm, phương châm của Hải là “Mọi thứ mình làm phải có ý nghĩa”. “Nên khi đứng trước những sự lựa chọn, mình cũng không có nhiều khó khăn để từ chối, vì thực ra từ chối vẫn khó hơn là nhận lời. Từ chối một công việc tốt, một môi trường làm việc tốt, một mức lương hàng ngàn USD, và sau này là từ chối việc bán lại sáng kiến “Mắt thần 2” với giá hàng tỉ đồng… Đến bây giờ, may mắn là bản thân mình chưa phải hối hận về quyết định của mình” - Hải bộc bạch.
Quay về Việt Nam, bắt đầu với công việc là giảng viên của trường Đại học sư phạm kỹ thuật TPHCM, tiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Hải phụ trách phòng thí nghiệm Cơ điện tử Ôtô và tham gia công tác giảng dạy. Cuối năm 2010, Bá Hải sáng lập lớp học 1 đô la về lập trình thu thập dữ liệu và điều khiển thiết bị với máy tính cho các đối tượng là học sinh, sinh viên, các kỹ sư kỹ thuật. Lần lượt, anh cùng học trò, đồng nghiệp nghiên cứu nhiều công trình phục vụ nhu cầu thiết thực cho cuộc sống như chó robot thông minh, xe quân sự điều khiển từ xa, hệ thống giao tiếp máy tính và chẩn đoán mã lỗi với động cơ xăng, robot giám sát và thi công các công trình cống ngầm, chiếc nón kỳ diệu cho người khiếm thị… Một số đề tài và công trình đã chuyển giao thành công cho các doanh nghiệp.
“Vạn sự khởi đầu nan”, khi mọi việc vẫn còn ngổn ngang, cơ sở vật chất, kinh phí thiếu thốn, Nguyễn Bá Hải vẫn không sờn lòng. Anh nhắc lại “Cái gì có ý nghĩa thì mình làm, điều đó được áp dụng ngay cả khi học, khi chơi, khi làm việc. Tìm được ý nghĩa rồi thì đó chính là cứu cánh khi mình gặp khó khăn, thất bại hoặc ngay cả khi mình cô đơn”.
Hơn cả ánh sáng, đó là niềm tin!
Hải kể, do du học năm 2006 khiến anh không tham gia cho đến khi hoàn thành dự án làm băng nói cho người khiếm thị nên trong lòng anh luôn thấy “mắc nợ” người khiếm thị một điều gì đó. Từ những trăn trở ấy anh đã có ý tưởng chế tạo thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị. Ngoài những giờ lên lớp, anh và học trò của mình mày mò, thức trắng đêm ở phòng thí nghiệm, hoặc đôi khi nhắm nghiền mắt lại nhiều giờ liền, đặt mình chính vị trí của người khiếm thị để hiểu được những nếp sinh hoạt, đi lại, cảm nhận sự việc quanh họ. Sau 1 năm nghiên cứu, tính toán, nhóm của Hải đã bắt tay vào chế tạo và cho ra mắt thiết bị hỗ trợ người khiếm thị có hình dáng như chiếc mũ bảo hiểm với tên gọi SPKT Eye. SPKT Eye được mang đến cho các hội viên Hội Người mù quận Thủ Đức dùng thử vào năm 2012. Phía trước mũ SPKT Eye gắn một cảm biến laser để xác định vật cản. Khi sử dụng, người dùng sẽ lắc nhẹ đầu để tia laser của cảm biến quét ở khoảng cách từ người mù đến vật cản cách xa 3m. Bằng công nghệ chuyển thông tin thị giác thành thông tin xúc giác, khi cảm biến quét thấy vật cản trước mặt, hệ thống sẽ xử lý và chuyển thành tín hiệu rung nhẹ trên nón ở vị trí ngay giữa trán người dùng. Đến gần vật cản thì tín hiệu rung mạnh hơn và nếu chuyển hướng về phía khác không có vật cản, tín hiệu rung sẽ tắt.
Hải kể, các cô bác khiếm thị thử đội cái mũ lên, ai cũng vui sướng vì cảm nhận được “ánh sáng”, nhưng chi phí cho cái mũ gần 20 triệu là quá cao, không những vậy nón còn rất nặng nề với hơn 2kg nên mọi người dù “rất thèm đội mũ lên đầu” lại không mấy hào hứng đón nhận. “Có những lúc khó khăn, kinh phí, cơ sở vật chất thiếu thốn, thầy trò đã từ bỏ cái mũ nhưng khi một lần vô tình nghe được những chia sẻ, sự chờ đợi của người khiếm thị về cái nón của mình, mình lại bắt tay tiếp tục nghiên cứu nhiều phiên bản sau này như chiếc cài trên đầu, chiếc vòng quấn quanh đầu”. Trời không phụ lòng người, Hải dần nhận được sự ủng hộ và chung tay của các mạnh thường quân trong xã hội từ cô bán gạo ở chợ Thủ Đức, Bình Dương đến chú Việt kiều Australia, doanh nhân ngành hóa chất, ngày 19.4.2014, phiên bản thứ 9 được gọi là “Mắt thần 2” ra đời, gọn nhẹ như một mắt kính thời trang. Kính được gắn một thiết bị cảm biến giúp người mang có thể nhận biết được vật ở xa hay gần, cao hay thấp, to hay nhỏ, di chuyển hay đứng yên, có bao nhiêu người đang đứng trước mặt....
TS.Nguyễn Bá Hải trao “mắt thần” và hướng dẫn cho sinh viên ngành sư phạm khiếm thị dịp 20.11.
Ở những phiên bản đầu tiên của “Mắt thần 2”, chi phí vẫn còn cao. Ví dụ ở phiên bản thứ 7, “Mắt thần” có giá từ 5-6 triệu đồng, nhưng đến nay, ở phiên bản thứ 9, “Mắt thần 2” có giá chỉ 2,2 triệu đồng. Để có thể sản xuất kính với số lượng lớn, Hải cùng đồng nghiệp thành lập Cty TNHH Kiến Bình Minh với 6 nhân viên cùng đội ngũ tình nguyện viên làm việc không lĩnh lương. Ở Cty Kiến Bình Minh, với 100 chiếc kính được sản xuất thì nhiều lắm cũng chỉ có 5 cái kính được bán, còn lại chủ yếu là dành tặng cho người khiếm thị. Lợi nhuận không có, để duy trì Cty, mỗi tháng rất may còn một số mạnh thường quân đồng hành tài trợ để tiếp tục trao tặng những chiếc kính đến người khiếm thị.
“Ngành công nghiệp phụ trợ của mình yếu quá, có những nguyên phụ liệu mình tìm trong nước để hạ giá thành nhưng không có, ngay cả cái vỏ đựng “Mắt thần 2” thôi cũng là cả một vấn đề. Hơn nữa, các sản phẩm của Cty dù là dành cho người có thu nhập thấp, dù là sản phẩm công nghệ “made by Việt Nam” cũng không được hỗ trợ về thuế nên giá vẫn còn cao. Qua nhiều phiên bản, giá đã giảm đi rất nhiều, nhưng thực tế vẫn còn quá sức so với thu nhập của người khiếm thị khi chủ yếu họ đều làm nghề bán vé số, tăm tre, bàn chải… họ không thể bỏ ra một số tiền lớn để trang bị “Mắt thần” cho mình”, Hải chia sẻ. Nhưng cũng may cho người khiếm thị, và may cả cho Hải nữa, nhiều nhà hảo tâm đến ủng hộ kinh phí để anh thực hiện chương trình “Tặng kính cho người khiếm thị nghèo”. Đến nay, chương trình đã tặng được hơn 300 “mắt thần” cho người khiếm thị trên cả nước.
Hải tâm sự, một lần, Hải nhìn thấy trên Internet có một video clip về một người hát rong bị mù cả hai mắt. Nghe người hát rong ca say sưa ca khúc “Ru nửa vầng trăng”, Hải rất muốn tặng cho anh một “Mắt thần”, để anh được đi hát an toàn hơn. Hải chia sẻ clip và mong muốn của mình lên mạng xã hội. Nhiều ngày sau đó, dưới sự giúp sức của cộng đồng mạng, Hải đã tìm được anh. “Có lẽ là giây phút ấy mình chẳng bao giờ quên được. Anh ấy tặng tôi một bài hát và cười rất lâu. Nhìn nụ cười trên môi anh ấy, tôi thấy như lòng mình ấm áp hơn”, Hải có vẻ như đang bâng khuâng. Nhìn tôi, anh cười. Nụ cười thật hiền.
Theo Báo Lao Động