Nếu có ai đó hỏi tôi rằng lý do gì mà một cô gái có tâm hồn thơ mộng lại chọn Sư phạm Kỹ thuật để gắn bó suốt quãng đời sinh viên của mình. Nếu như là một chàng trai, anh ấy có thể trả lời rằng kỹ thuật, máy móc là niềm đam mê từ bé của anh ta. Nhưng, liệu với tôi - một cô sinh viên năm hai ngành sư phạm tiếng anh, cái ngành mà nó không hề thiếu ở thành phố này hầu như là trường nào cũng có, thì tại sao trong hàng trăm trường tôi duy nhất chọn Sư phạm Kỹ thuật. Đó là vì:
Mới đầu, tôi chọn trường chỉ vì một câu nói đơn giản của một người anh là cựu sinh viên trường sau khi nghe tôi bảo ước mơ của em sau này sẽ trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh. Người ấy liền bảo với tôi: “Em hãy chọn khoa ngoại ngữ của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nó không chỉ đơn giản là tiếng Anh đâu, nó là tiếng Anh kỹ thuật”. Có thể đối với nhiều người, lý do đó hơi ngốc nghếch thì phải. Nhưng sau hơn một năm gắn bó, tôi biết mình không hề ngây thơ mà niềm tin của tôi đã đặt đúng chỗ.
Nói đến điều mà tôi ấn tấn tượng nhất về trường, đó chính là bãi cỏ trung tâm, nơi ngày ngày tôi và các bạn lựa chọn để ngồi lại cùng nhau sau những giờ học tập căng thẳng, nơi của những câu chuyện buồn vui thời sinh viên, hay cả những buổi chiều ngồi đếm những chiếc phi cơ ngang trời và mơ mộng về những dự định tương lai. Hay những lần thơ thẩn ngồi nhìn ngắm vẻ đẹp của tòa nhà trung tâm giữa bầu trời đêm đầy sao. Những buổi trưa hè nắng gắt cũng chẳng hề lo lắng bởi những tán cây cổ thụ vươn mình tỏa mát cả một vùng trời.
Tôi yêu trường còn bởi vì những khu giảng đường với lối kiến trúc độc đáo, vừa cổ kính vừa mang trong nó những nét hiện đại của một thành phố đang vươn mình ra biển lớn. Đó là tòa nhà trung tâm với những phòng học, phòng nghiên cứu được trang bị hiện đại. Mỗi khu giảng đường riêng trong trường nằm giữa những công viên thu nhỏ có cỏ cây hồ nước, ghế đá và có cả hương hoa sữa nồng nàn mỗi độ thu về. Có một điểm đặc biệt của ngôi trường mà tôi rất thích, mỗi ngày trước khi vào lớp tôi không thể bỏ qua nó, đó chính là chiếc bảng điện tử giúp sinh viên trường nhớ và nắm bắt được những ngày tháng và sự kiện quan trọng của nhà trường và đất nước, tôi dành cho nó một cái tên thật đặc biệt, tôi gọi nó là “nơi gọi nhớ kỉ niệm” mà mỗi lần nhìn vào tôi tự nhắc mình cần phải xứng đáng hơn với những gì mà các thế hệ đi trước đã gây dựng nên.
Những điều đó tuy thật hoành tráng, thật thu hút nhưng dường như nó chưa đủ để gọi là tình yêu. Bởi những thứ bề ngoài có thể chỉ làm cho ta rung động trong một khoảnh khắc nào đó, nhưng để chúng ta gắn bó lâu dài có lẽ là vì vẻ đẹp của nó, sức sống của nó lại được ẩn sâu từ trong những con người nơi đây. Người đầu tiên tôi muốn nhắc đến chính là thầy Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Nhà trường. Với cương vị của thầy, tôi cứ nghĩ thầy là một người nghiêm khắc và có phần lạnh lùng. Nhưng khác hẳn với suy nghĩ đó, thầy là một người vô cùng gần gũi, hiểu sinh viên của mình muốn gì, cần gì. Dù cho có bận trăm công nghìn việc, thầy vẫn luôn theo dõi tình hình đời sống sinh viên và đưa ra những lời khuyên đúng đắn, kịp thời để định hướng cho chúng tôi. Giảng viên Sư phạm kỹ thuật là thế đó, họ luôn cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo những nhân tài cho tương tai đất nước. Chưa hết đâu, góp phần tạo nên nét đẹp của ngôi trường còn phải kể đến bác bảo vệ hay cô lao công, những người âm thầm cống hiến, giữ gìn an toàn trật tự, bảo vệ môi trường sạch đẹp. Để đáp đền những đóng góp ấy không có gì ý nghĩa hơn là sự tôn trọng và hãy cúi chào hay nở một nụ cười khi gặp các cô, chú trong trường… Điều ấy đâu quá khó phải không?
Nói đến UTE không thể không nhắc đến những cô cậu sinh viên không chỉ học giỏi mà còn vô cùng năng động. Sinh viên trường chúng ta ngoài những công trình nghiên cứu khoa học thật sự ấn tượng thì các bạn vẫn là những con người trẻ mang trong mình niềm khát khao cốưng hiến cho quê hương. Dù cho có phải vượt qua biết bao gian nan thử thách
Có đôi lần, khi đang vội bước để kịp giờ lên lớp, tôi lại bắt gặp hình ảnh của một anh chàng, với đôi nạng trên tay, anh đang bước từng bước một cách khó nhọc, tôi chợt khựng lại, lặng nhìn hình ảnh ấy thật lâu cho đến khi bạn khuất sau cánh cửa. Không phải vì sự khác biết về ngoại hình, mà bạn ấy đã thu hút tôi bởi ánh mắt chất chứa bao niềm tin và truyền cho tôi thêm nhiều động lực để can đảm đối đầu không bao giờ chùng bước trước những khó khăn.
Trong những năm tháng còn là một học sinh Phổ thông, tôi là một cô bé nhút nhát và tự cô lập bản thân bởi chiếc “vỏ ốc” của chính mình, thế nhưng, khi thấy hình ảnh các anh chị Tình nguyện viên tay vẫn nắm chặt tay giữa cơn mưa như trút nước, tôi đã hạ quyết tâm phải thay đổi chính mình tiếp bước các anh chị giúp đỡ, nâng bước cho những lớp đàn em. Và có tham gia các chương trình tình nguyện, tôi mới thấu hiểu hết được những vất vả của một người làm tình nguyện. Đâu phải cứ khoác lên mình màu áo xanh ấy là đã xong việc đâu. Tình nguyện là tự nguyện, chủ động, nhiệt huyết, nhưng tình nguyện cũng cần tới trách nhiệm, ý thức. Tôi tự hào vì mình là một chiến sĩ tình nguyện, tôi tự hào vì được góp phần sức trẻ của mình để làm cho xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn. Tôi nhận ra rằng cho đi tức là nhận lại. Đôi khi cái mình nhận lại còn lớn hơn, ý nghĩa hơn thứ mình đã cho đi. Bất chợt, tôi nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“Nếu là con chim chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
Vâng, chính những điều tưởng chừng như đơn giản, bình dị ấy đã làm cho con bé ngày nào vẫn mơ ước một lần trở thành sinh viên của ngôi trường này thêm tự hào, thêm lòng biết ơn đối với nơi đây. Để sau này mỗi lần nhắc đến, nó có thể tự tin nói với mọi người rằng:
“ TÔI VINH DỰ, TỰ HÀO LÀ SINH VIÊN
ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH”
Thùy Diễm
Ảnh:
Một Góc UTE