Trong cuộc sống này, ai cũng có những thứ để nhớ và để quên, có những thứ ta tưởng chừng đã quên nhưng thật sự thì ta rất nhớ và có những thứ tưởng chừng như sẽ mãi mãi ghi sâu nhưng thoáng chốc lại quên đi trong vô thức. con người thực chất luôn tồn tại như vậy. chúng ta thoáng đến bên nhau và ghi dấu trong lòng nhau. Chúng ta trở thành một phần trong cuộc sống của nhau hay chúng ta luôn ở bên cạnh nhau nhưng thật sự thì chẳng nhận ra nhau. Chính bản thân tôi cũng như vậy, tôi từng là một kẻ vô tâm cho đến khi gặp được một con người đã thay đổi cả cuộc đời tôi. Một con người bình dị như bao người nhưng với tôi, ông là một người tôi kính trọng hơn cả, chỉ sau cha mẹ tôi, đó là người thầy đã cho tôi một cuộc sống mới. Thầy được học sinh gọi bằng một cái tên trìu mến : “Bố Thủ”. Một con người mà mỗi khi nhắc đến với học trò Ba Tri – Bến Tre nói riêng và học trò của thầy như chúng tôi thì không biết bao nhiêu kỉ niệm về thầy lại ùa về.
Mỗi mùa lễ nhà giáo Việt Nam , tôi thường cùng lũ bạn la cà đây đó nhưng năm nay thì tôi lại có một cảm giác khác lạ. Có lẽ là vì tôi không còn là học sinh nữa là đã trở thành sinh viên và mỗi khi tiếp xúc với môn toán, nhìn những con số thì những kí ức về thầy tôi là ùa về. Thầy Thủ là một giáo viên dạy toán nhưng không chỉ có những con số mà thầy còn dạy tôi làm người. dạy chúng tôi thế nào là cuộc sống , thế nào là một con người thật sự và cho tôi động lực để cố gắng và bước đi bằng đôi chân của bản thân mình. Thầy không dạy chúng tôi phải học thật giỏi mà thật dạy chúng tôi sự cố gắng. Thầy không dạy chúng tôi trở thành một người thật giàu có mà thầy dạy chúng tôi rằng: “thầy không cần tụi bây thật giàu có mà chỉ cần lo đủ cho bản thân và cha mẹ là đủ rồi. Người bình thường một ngày ăn cơm cũng ba bữa mà người giàu một ngày cũng ăn cơm ba bữa chứ tụi bây có thấy thằng giàu nào ăn cơm ngày 80 bữa không?” Thầy còn dạy chúng tôi rất nhiều điều mà cho tới bây giờ những điều đó còn được tôi nghi nhớ và thực hiện mỗi ngày.
Trong cuộc sống hàng ngày, tôi từng đọc được nhiều bài báo, nghe nhiều bản tin và những thông tin khác về những nhà giáo ưu tú, xuất sắc, nhưng với tôi thì thầy chính là người thầy giáo có lương tâm nhất mà tôi được gặp trong cuộc đời này. Thầy là một tấm gương sáng cho tôi về sự cố gắng và phấn đấu, lớp 10 thì cha mẹ thầy mất sớm không bà con họ hàng, một mình thầy bước vào con đường học vấn cấp ba của chế độ cũ sau đó là giảng đường đại học tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Thầy từng nhịn đói, từng ngủ ở xe cảng miền Tây, từng bôn ba hết nơi này đến nơi khác để cố gắng đi hết con đường đại học đầy gian khổ . một ngày với ba chén cháo và một đĩa rau muống và bữa ăn ngon nhất của thầy lúc đó là một củ khoai lang ăn dở của một đứa bé nhỏ đánh rơi. Nghỉ hè người ta có nhà để về còn thầy thì tìm nhà những người bạn của thầy để về chơi và phụ người ta để kím cơm ngày ba bữa. Thầy dã vượi qua mọi khó khăn đó để hoàn tất việc học và trở thành một ông giáo nghèo. Sau khi tốt nghiệp thầy xin dạy ở trường THPT Phan Phan Thanh Giản tại huyện Ba Tri. Không có nhà, thầy phải ở dưới gầm cầu thang của trường, ngủ một chiếc mùng rách cùng một người thầy khác cùng cảnh ngộ và kết quả là mắc phải sốt rét 3+. Sau khi có vợ, thầy vẫn sống ở đó và làm cho nhà trường cùng công việc bán căn tin. Tuy hoàn cảnh lúc đó nghèo khó nhưng thầy lại làm những điều khiến người ta khâm phục. Ngoài thị trường người ta bán bánh canh 2000 đồng một tô thì giá của thây chỉ là 1500 đồng. Người ta dạy thêm giá cao trong khi thầy nhận dạy luyện thi đại học chỉ 30000 đồng/tháng, học sinh khó khăn, mồ côi chỉ cần nói với thầy một tiếng thì thầy không lấy tiền, anh em sinh đôi học chung chỉ lấy tiền một người, những học sinh nghèo mà thầy nghe hoặc biết tới thì thầy động viên và bảo đến học miễn phí. Hiện tại thì học phí luyện thi đại học cho học sinh của thầy chỉ 60000 đồng/tháng nhưng học trò Ba Tri đậu đại học xưa nay hầu hết đều là học trò của thầy. Thế mới biết tại sao học trò Ba Tri chúng tôi lại thương thầy đến như vậy.
Tuy thương học sinh nhưng thầy lại rất nghiêm khắc trong việc dạy học và việc ứng xử trong tác phong của chúng tôi. Thầy đặt ra những quy định mà nếu vi phạm thì sẽ bị đuổi học. Đạo đức không tốt, đi học thêm mà nghỉ không xin phép , đóng tiền học phải đưa bằng hai tay , ngay cả việc vệ sinh và chỉ cần một mảnh giấy rơi ngay chỗ học sinh nào không được nhặt lên thì học sinh đó sẽ bị đuổi ngay. Nhưng những việc đó cũng chỉ là muốn chúng tôi trở nên tốt hơn , đó chính là những kĩ năng mềm mà chúng tôi cần phải có. Thậm chí khi học sinh đi trễ thì phải chờ ở ngoài khoảng 15 phút mới được vào , đó là một hình phạt để rèn cho hoc sinh chúng tôi tính kỉ luật, khi vào học với thầy còn phải để xe đúng chỗ và ngay ngắn , nếu không thì sẽ nhận được câu nói mà thầy thường nói ví von với chúng tôi là “lời nguyền của thầy Thủ” : “Có bao nhiêu đó làm cũng không xong là đủ rớt đại học rồi”.
Khắc khe và nguyên tắc là vậy nhưng đôi khi thầy cũng biết tha thứ cho những lỗi lầm của những đứa học trò mới lớn như chúng tôi. Thầy còn dạy cho chúng tôi cách sống , sống đúng là một con người đúng nghĩa. Thầy không hề dạy chúng tôi phải cha và mẹ nhất trên cuộc sống này. thầy dạy tôi phải bước đi bằng chính đôi chân của mình và không lệ thuộc vào ai cả vì nếu một ngày ta đi bằng đôi tó do người khác ban cho , đôi tó mà gãy thì chân mình cũng què. Thầy còn dạy chúng tôi yêu thương con người , đồng cảm sẽ chia và sự thẳng thắn phê phán những tiêu cực và phải tự sửa mình để thành người chứ không còn là con người nữa. cuộc sống không phải là một chuỗi ngày êm đềm , xã hội không đẹp như tranh và mọi thứ đó đều có thể nếu như ta cố gắng . đó là những thứ mà thầy đã dạy cho chúng tôi mà tôi chắc rằng những điều đó sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời này…
Thầy để lại cho bản thân tôi nhiều kỉ niệm khó quên nhưng có một kỉ niệm có lẽ đã thay đổi cả cuộc đời tôi . đó là câu chuyện về chiếc bánh của thầy. Một ngày thầy hỏi một cô bé lớp 10 ai thương cô bé nhất. Cô bé vui vẻ trả lời là thầy nhưng thầy lại nói một câu thẳng thừng là cô bé đã trả lời sai. Nếu một ngày thầy có hai chiếc bánh và có ba người đang đói bụng là thầy, con thầy và cô bé thì giữa cô bé và con thầy thì thầy cho ai ? Chắc chắn nó sẽ thuộc về con thầy . Hay một cái sẽ thuộc về con gái thầy và một cái sẽ là của thầy và nếu thầy có tội nghiệp hay thương lắm thì thầy cũng chỉ cho cô bé nửa cái bánh. Nhưng mẹ cô bé sẽ khác, mẹ sẽ là người sẵn sang nhịn đói để cho cô bé được no bụng với một câu nói : “Con ăn đi, mẹ đã no rồi!”. Sau câu chuyện đó của thầy với tôi là một sự im lặng vì tôi biết nếu như tôi nói lên them một lời nào với bất cứ ai hay thậm chí là nhìn ai đó thì người ta sẽ thấy đôi mắt rung rung đỏ hoe của tôi. Tôi tìm được những gì mà bấy lâu nay tôi bế tắt không có lối ra. Tôi hiểu được mục đích phấn đấu lớn nhất của cuộc đời này. Thầy cho tôi một động lực mà một con người ngu muội như tôi không biết đã lãng quên hay thật sự không nhận ra sớm hơn. Thật sự sau câu chuyện đó thì với mẹ tôi trở thành một đứa con thật tệ. Ttôi không nghĩ được sớm hơn để cố gắng học hơn . Sau đó tôi cố gắng, cố gắng thật nhiều và đậu vào trường ĐH Sư Phạm Kĩ Thuật. Điều đó là một chút gì đó đền đáp cho sự khó nhọc của mẹ tôi và đền đáp “câu chuyện cái bánh” của thầy.
Thời gian thấm thoát sao trôi nhanh quá, tôi giật mình khi thoáng chốc tôi đã là sinh viên. Nghĩ lại tôi còn nhớ như in cái ngày mà tôi chia tay thầy ngày 25/6, ngày mà “người đưa đò đưa con thuyền cập bến”. Bài học cuối cùng mà ông đưa đò dạy cho tôi, thầy không dạy chúng tôi nhất thiết phải đậu đại học, thầy chỉ bảo chúng tôi hãy cố gắng hết sức có thể và đừng để hối tiếc bất cứ điều gì, đừng để sau khi thi thi phải thốt ra câu : “Phải chi lúc trước mình như vậy… thì bây giờ mình không phải như vầy…” . Thầy mong mỗi học trò của thầy đề sẽ tìm được một hướng đi thật sự cho bản thân mình.
Cuộc sống ai cũng có mơ ước và nếu được ước mơ một lần, dù chỉ là hi vọng nhỏ nhoi thì tôi xin ước cho thời gian quay ngược lại để tôi có cơ hội thay đổi sớm hơn để đền đáp công ơn của thầy, để cố gắng hơn nữa và để đền đáp công ơn sinh thành của tía má bằng những thành tích học tập cao hơn nữa và đề những người tôi trở lại một chú bé mới lớn và cho những người tôi yêu thương trẻ lại để tôi được ở bên họ dài lâu hơn .
Tuổi thơ đã đi qua, tôi bắt đầu dần dần trưởng thành và quen với cuộc sống ở một thế giới ồn ào. Sài Gòn với nhiều cám dỗ lẫn những cơ hội cho tôi bước tới , tôi tập quen dần với nó. Tuy vậy nhưng cuộc sống vẫn nhớ về thầy, nhớ về những người thân trong gia đình như một động lực trong cuộc sống và đề đi tìm một câu trả lời cho chính bản thân tôi: “Mày đã suy nghĩ gì về sự cơ cực của cha mẹ mày chưa?”. Tôi tìm câu trả lời bằng những sự phấn đấu hết mức có thể. Để tôi nhận ra rằng không có gì có thể sánh được với sự cố gắng và yêu thương. Không có đồng tiền nào làm nên sự thành công mà chỉ có đồng tiền chứng minh sự thành công.
Một mùa 20/11 nữa đã về, con lại nhớ đến thầy. Tuy không được gặp thầy nhưng con và những đứa học trò từng được nghe những lời thầy dạy luôn nhớ đến thầy, luôn mong thầy sống thật mạnh khỏe để tiếp tuc con đò đưa những đứa học trò từng lầm đường lạc lối như con về lại với bến bờ. Con nhớ tiếng thầy, con nhớ những lời thầy giảng, con nhớ mái tóc bạc phơ của thầy, khuôn mặt thầy, nhớ những kí ức về thầy. Tất cả những kỉ niệm ấy như vừa mới hôm qua mà sao xa quá… xa quá…
Người viết : Trung Tín
Biên tập : Thùy Diễm
(Tổ truyền thông Đoàn - Hội)