TS Nguyễn Bá Hải được giữ lại làm việc ở Hàn Quốc với mức lương 5.000 USD nhưng anh từ chối. Về Việt Nam, anh đã giúp đỡ cho cộng đồng bằng chính những sáng chế của mình, nổi bật là dự án kính "Mắt thần" dành cho người khiếm thị.
Tốt nghiệp Thủ Khoa ngành Cơ khí động lực ở trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM và nhận được học bổng chính phủ Hàn Quốc du học chương trình sau đại học, anh Nguyễn Bá Hải (SN 1983 tại Đông Sơn, Thanh Hóa) đã hoàn thành và báo cáo tốt nghiệp Tiến sĩ khi mới 28 tuổi với 5 phát minh sáng chế quốc tế với giải thưởng xuất sắc.
TS Nguyễn Bá Hải được giữ lại Hàn Quốc làm việc với mức lương 5.000 USD nhưng anh từ chối để trở về Việt Nam với ước mơ cống hiến và thay đổi đất nước. Về lại Việt nam, anh giúp đỡ cho cộng đồng bằng chính những sáng chế của mình. Từ sản phẩm đầu tiên năm 2007, đến nay anh đã có 5 phát minh được cấp giấy chứng nhận. Trong đó có sản phẩm thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị mang tên kính "Mắt thần" giúp tránh được các vật cản để di chuyển dễ dàng hơn. Đã có nhiều doanh nghiệp muốn mua toàn bộ dữ liệu và chuyển giao sáng chế quyền sản xuất kính "Mắt thần" với giá hàng tỷ đồng nhưng anh không bán.
Hiện tại anh đang là Trưởng Khoa Sáng tạo và Đổi mới của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật. Trong lúc cuộc tranh luận về việc các nhà sáng chế, nhà khoa học nên ở nước ngoài để phát triển chuyên môn hay trở về Việt Nam cống hiến, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Bá Hải - người đã về nước theo "tiếng gọi từ con tim".
Xin chào TS Nguyễn Bá Hải, được học tập và làm việc trong môi trường quốc tế, với những giáo sư giỏi khắp thế giới, cơ sở vật chất đầy đủ để phát triển chuyên môn, vì sao anh vẫn chọn quay về Việt Nam?
Đúng là ở bên Hàn Quốc, tôi có cơ hội làm việc trong những công ty lớn, có mức thu nhập cao hơn, nhưng tôi nghĩ mình có phát triển được hay không thì còn tùy vào hoàn cảnh của mỗi người.
Môi trường quốc tế là môi trường chuyên nghiệp, nó có thể đủ đầy về mọi mặt nhưng với tôi nó chưa hẳn là môi trường tốt. Ngôi trường Đại học Sư phạm kỹ thuật nơi tôi được đào tạo và được một người thầy truyền cảm hứng làm khoa học - mới là một môi trường tốt nhất để tôi có thể nghiên cứu, giảng dạy và tìm được sợi dây kết nối giữa việc dạy học với nghiên cứu.
Năm 2010, tôi không hiểu sao khát khao về nước của mình lại mạnh mẽ đến thế, tôi thấy như tim mình đang gọi về đi, về với trường xưa, với gia đình đi. Thật ra tôi không phải là số ít những người trở về, nhiều bạn bè, anh em đồng nghiệp của tôi sau thời gian học thành tài nơi nước bạn thì cũng quay về Việt Nam. Họ đang giữ vị trí quan trọng trong doanh nghiệp, hoặc mở dịch vụ kinh doanh theo chuyên ngành của mình tại quê hương.
Mức lương 5.000 USD là mức lương đáng mơ ước với nhiều người, còn với anh, nó cũng không có ý nghĩa gì sao?
Thời điểm này, ở ngay đất nước chúng ta, tôi cũng nhận được những lời mời về làm việc cho các tổ chức, công ty với mức lương 5.000 USD. Rất nhiều lời mời, cả chính phủ các nước cho những dự án nghiên cứu của tôi. Nhưng tôi từ chối hết. Vì sao? Vì hiện tại nếu chỉ tính cá nhân tôi, thì chỉ cần 2 triệu/ tháng như một sinh viên là đủ sống ở thành phố này để theo đuổi đam mê của mình. Chính vì thế khi tôi làm được hơn 2 triệu thì tôi đã thấy mình đã là người tự do nhất thế giới rồi, nên tôi không muốn làm thuê cho ai cả.
Mỗi người chỉ sống 1 cuộc đời duy nhất, nên phải sống sao cho đáng sống, phải làm tất cả những điều mình thích, muốn như thế thì chúng ta không nên có một người chủ, một người kiểm soát chúng ta. Tôi có thể hợp tác với bất kỳ người nào, từ cá nhân, tổ chức, chính phủ nhưng tôi không thể trở thành một người bị kiểm soát tâm hồn và thời gian được.
Các nhà khoa học trong nước cho rằng họ cần một cơ chế, một môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp mà ở Việt Nam không thể đáp ứng được. Anh nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ đây là vấn đề thời gian, cơ chế nước ta sẽ còn thay đổi để hoàn thiện. Tuy nhiên, với tư duy nhà khoa học, mỗi người phải tìm cách để giải quyết, mà cách tốt nhất tôi nghĩ là tự thân vận động, hợp tác với bạn bè, đồng nghiệp, doanh nghiệp, tranh thủ những hỗ trợ từ nhà nước, nhà trường, sao cho phù hợp để vẫn giữ lửa nghiên cứu như lúc ở nước ngoài.
Anh nói Nhà trường luôn tạo điều kiện cho anh nghiên cứu và một người thầy mà anh luôn biết ơn, có phải anh đang nhắc đến thầy Hiệu trưởng Đỗ Văn Dũng?
Đúng vậy, thầy Dũng là người tôi luôn biết ơn và cũng là người truyền cảm hứng, động lực sống cho tôi rất nhiều. Ngày tôi tốt nghiệp và nhận được học bổng chính phủ Hàn Quốc du học chương trình sau đại học, thầy biết gia đình tôi nghèo khó nên đã dúi vào tay tôi 400 USD để phòng thân. Tôi không muốn lấy nhưng thầy bảo xem như thầy cho em vay, đi du học thành tài về, em trả thầy cũng được. Lúc học xong cao học ở Hàn Quốc, tôi đã rất muốn về Việt Nam nhưng thầy động viên tôi nên tiếp tục học lên Tiến sĩ vì cơ hội không đến lần thứ 2 trong đời.
Những ngày bên nước bạn cũng có lúc tôi gặp khó khăn, thầy Dũng viết thư cho tôi và nói vỏn vẹn vài dòng "Cuộc sống luôn cần những lúc trắc trở, nhưng thầy tin em làm được!", vậy mà tôi như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần để vượt qua tất cả.
Khi du học về, tôi xin vào giảng dạy ở ngôi trường đã nuôi dưỡng đam mê và ước mơ của mình, tôi trả lại thầy 400 USD ngày trước nhưng thầy bảo thầy... không nhớ đã cho tôi mượn, vì đã 4 năm rồi. Tôi nghĩ nhờ những người thầy như thế trong cuộc sống đã vun đúc cho tôi những cảm xúc, những niềm tin để tôi vững bước.
Có điều gì anh trông đợi và hy vọng vào lớp trẻ tương lai, cụ thể là những người trẻ đam mê kỹ thuật sáng tạo và luôn ấp ủ giấc mơ thay đổi cuộc sống bằng các sáng chế phục vụ cộng đồng?
Trước giờ tôi luôn trăn trở vì sao chúng ta cứ phải nhập những đồ dùng công nghệ cao từ nước ngoài mà không tự mình chế tạo ra chúng. Vì thế tôi mong muốn góp sức cùng cộng đồng đặt viên gạch khó khăn đầu tiên cho những sản phẩm công nghệ mới ở Việt Nam, để người trẻ nhìn theo đó tiếp tục chung tay xây dựng. Chúng ta đã nghe về Việt Nam - một quốc gia chuyên xuất khẩu gạo, tôm, cá, nhưng đến một ngày nào đó, tôi hy vọng mình sẽ đọc được bản tin rằng giới trẻ Việt đã xuất khẩu rô bốt cho các nước Mỹ, Nhật... Đó sẽ là ngày vui nhất trong đời tôi.
Quay trở lại với kính "Mắt thần" dành cho người khiếm thị, cũng như tất cả những sáng chế của anh từ trước đến nay, điều gì khiến anh nghĩ rằng mình có thể thành công khi bắt tay vào chế tạo một sản phẩm nào đó?
Tôi may mắn vì khi làm gì, trong tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt là không thể thất bại trừ khi mình không dấn thân cho nó, tôi chưa thấy cái gì con người suy nghĩ ra mà không làm được cả. Ví dụ ngày xưa người ta ước mơ bay lên trời và họ chế tạo ra máy bay, họ muốn từ Việt Nam có thể nói chuyện với người bên Mỹ, và họ phát minh ra điện thoại. Chỉ cần nghĩ mình sẽ làm được, thì chắc chắn mình làm được nếu dấn thân cho điều mình khát vọng.
Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông và kinh tế khó khăn, ba mẹ chưa bao giờ nghĩ đến việc có đủ tiền cho các anh em tôi ăn học ở các trường học phí quá cao, huống gì đến chuyện du học ở nước ngoài. Vậy mà đến giờ tôi đã được đi học, làm việc tại 7 nước rồi, số tiền dành cho những chuyến đi đó tính ra cũng cả chục tỷ đồng, và đều từ các nhà tài trợ là tổ chức, chính phủ các nước. Nếu ngày xưa tôi cứ an phận, cho rằng điều kiện nhà mình không có, mình không phấn đấu, thì làm sao được như ngày hôm nay.
Được chính phủ các nước tài trợ, tôi mới hiểu rằng cá nhân có thể làm việc trực tiếp với chính phủ các nước nếu trong công việc chúng ta lấy hiệu quả làm đầu. Ngay cả ở Việt Nam cũng thế, chính vì vậy trong 10 phút đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi không hồi hộp mà chỉ nghĩ đơn giản là đang nói chuyện với một đồng nghiệp của mình, rằng việc này rất quan trọng, chúng ta cần nói chuyện với nhau và Thủ tướng sẽ là người tiếp tục câu chuyện.
Anh đã dành 4 năm mày mò nghiên cứu chỉ để đổi lấy 10 phút thuyết phục Thủ tướng đầu tư triệu đô cho dự án kính "Mắt thần" của mình. Điều này cho thấy một cá nhân vẫn có thể phối hợp cùng cơ quan, ban ngành nhà nước, chính phủ để cùng thay đổi xã hội tích cực hơn, thế nhưng không có nhiều người dân thật sự tin vào điều đó, đặc biệt là giới trẻ, anh có nghĩ rằng người trẻ đang ngày càng thờ ơ với sự phát triển chung của xã hội vì cho rằng mình khó có thể thay đổi được điều gì đó cho đất nước?
Tôi nghĩ chỉ có một phần thôi, họ không có niềm tin vì họ cho rằng mọi thứ xảy ra trong cuộc đời không có kết nối với nhau. Tôi ví dụ khi bạn lưu thông trên đường và bị một người điều khiển xe máy tông vào. Dù bạn đi đúng luật nhưng người ta đã tông vào bạn thì có lỗi của bạn ở đó. Lỗi ở đây là lỗi nào? Là vì bạn không góp sức để xây dựng nền tảng văn hóa vững chắc và nhân văn cho toàn xã hội, chính vì thế nên bạn là nạn nhân của nền văn hóa như vậy.
Chúng ta không nên thờ ơ với những thứ tác động lên mình dù chỉ là gián tiếp. Việc chung của xã hội cũng chính là việc của mỗi cá nhân. Đừng bỏ cuộc vì nghĩ mình khó thay đổi một điều gì đó.
Nguồn: kenh14.vn